Có Phải Giao Dịch Là Cờ Bạc? #Câu hỏi trading

Có Phải Giao Dịch Là Cờ Bạc?

1. Những câu hỏi vì sao ?

Đôi khi chúng ta giao dịch, ngày lời ngày lỗ, đôi khi lỗ quá nhiều rồi phải tự hỏi: Mình có đang làm một việc nghiêm túc hay đây chỉ là cờ bạc trá hình? 

Nếu là cờ bạc sao nhiều người thành công vậy và người ta có một thị trường gần hơn 200 năm phát triển, sách viết cả ngàn cuốn nói về nó?

Còn nếu không phải cờ bạc sao tính chất nó hao hao vậy? Và rồi cứ suy nghĩ miên man và quay cuồng không ngủ được.

Có một bà chị gốc Á là trader full time đã viết một bài về vấn đề này. Mọi người có thể đọc ở đây : https://www.humbledtrader.com/blog/is-day-trading-gambling

Shay (thường được mọi người biết đến với cái tên “Humbled Trader” tức “Nhà giao dịch khiêm tốn”). Bà chị có cả một kênh youtube về Day trading : https://www.youtube.com/@HumbledTraderOfficial/featured

Vô bài nào!

Trong thời kỳ đại dịch Covid,có lẽ bạn thấy nhiều trader nhỏ lẽ show lợi nhuận, ở fx và cả thị trường chứng khoán việt nam, những người mất việc làm và quyết định bỏ tiền của mình vào thị trường với tên gọi mĩ mều : Đầu tư 

Mặc dù nhiều bạn sẽ thấy những khoản lợi nhuận này rất ấn tượng, nhưng cũng có những người khác gọi đó là “cờ bạc”. Là một day trader với kinh nghiệm hơn 7 năm và đã kiếm được lợi nhuận khá ổn định, tôi đã bị giang hồ gọi là “con bạc”, nhưng trong ngần ấy năm giao dịch, tôi vẫn sống và phây phây.

Tôi đồng ý rằng, có một ranh giới mong manh giữa giao dịch chuyên nghiệp như một doanh nhân với việc mù quáng đánh bạc bằng tiền của mình. Tôi sẽ giải thích chi tiết hơn nữa và thêm vào những câu chuyện cá nhân của riêng tôi.

Hãy để tôi là người đầu tiên thừa nhận, khi tôi mới bắt đầu day trading cách đây 7 năm, tôi chắc chắn đã giao dịch như một con bạc.

Tôi muốn chia sẻ với bạn các nguyên tắc và bước đi quan trọng đã cho phép tôi và nhiều trader có lợi nhuận khác mà tôi biết, cuối cùng đã thực hiện chuyển đổi để kiếm được lợi nhuận ổn định theo thời gian.

Tôi muốn bắt đầu bằng việc nói rằng… Hầu hết các trader, bao gồm cả tôi, đã bắt đầu bằng cách đối xử với day trading như cờ bạc. Nó gần như là một giai đoạn phải trải qua. Khi mới bắt đầu Day trading, tôi muốn làm giàu nhanh. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một khoản tiền dễ kiếm và tôi có thể biến $1.000 thành $1.000.000 trong vòng 6 tháng.

Tất nhiên, một kết quả như ai cũng biết và không thể khác được, tài khoản sụt giảm và gần như là cháy sạch.

2. Khác biệt thứ nhất về lợi nhuận và thời gian

2.1. Lợi nhuận “rùa bò” của trader

Đây là sự khác biệt chính đầu tiên giữa trader và con bạc. Trong khi các trader tập trung vào việc kiếm lợi nhuận một cách chậm rãi và đều đặn trong 100 hoặc 1000 giao dịch tiếp theo, thì những con bạc lại muốn có những con đường tắt để làm được điều tương tự trong 10 giao dịch tiếp theo.

Đó là lý do vì sao con bạc luôn tìm kiếm các tín hiệu giao dịch trong các nhóm chat, gọi kèo, thằng bạn thân làm trong công ty, báo chí hay bất cứ thứ gì đang hot (Vinfast bây giờ là một câu chuyện như vậy), tìm kiếm bất cứ thứ gì nghe như một lối tắt để kiếm lợi nhuận mà không cần phải “động tay, động chân”. Tóm lại là Lười vận động, không làm mà muốn có ăn!

Ngay cả khi họ trở nên giàu có nhanh chóng, nhiều con bạc có xu hướng thua lỗ hoặc trả lại ngay tiền cho thị trường, bởi vì chỉ dựa vào may mắn và làm theo người khác đơn giản không phải là một chiến lược có thể lặp lại. Về cơ bản, khi “chiến lược” này kiếm được tiền, thì những chiến thắng sẽ rất bé, còn khi thua lỗ, nó lỗ rất lớn. ( Điều này vi phạm nguyên tắc giữ lỗ nhỏ và và để lãi chạy, thường con bạc sẽ showhand như thần bài hay allin).

2.2. Khoảng thời gian kiếm lợi nhuận

Đây thực sự là tư duy của một con bạc. Nó rất khác với khoảng thời gian kiếm lợi nhuận của một full-time trader (giao dịch toàn thời gian).

Là một trader thực thụ, khoảng thời gian mà chúng ta nên hướng tới là từ một đến ba năm tới, thay vì cố gắng thúc ép trong vài tháng hoặc vài tuần.

3. Khác biệt thứ hai về công việc

3.1. Nhật ký giao dịch

Ngoài ra, các trader thực sự tập trung vào việc ghi nhật ký các giao dịch của họ, cho dù đó là trade thắng hay trade thua. Họ xem xét tỉ mỉ kết quả giao dịch trên biểu đồ của mình và đi sâu vào phân tích tất cả các yếu tố đằng sau các giao dịch đó.

Luôn có những bài học để học. Các trader muốn biết tại sao họ lại kiếm được lợi nhuận, để họ có thể tiếp tục lặp lại những thói quen đó. Họ cũng muốn biết tại sao họ thua lỗ, để họ có thể ngừng đưa tiền của mình cho chiếc xe hơi đời mới của người khác.

Bây giờ, hẳn là những con bạc sẽ nói rằng: “Chài, nói chuyện khi mọi chuyện đã xảy ra rồi thì lúc nào chẳng dễ ?” và họ sẽ không bao giờ nhìn lại những lần thua trong quá khứ và học hỏi từ những sai lầm của mình. Họ sẽ ngay lập tức xuất hiện vào ngày hôm sau và hóng 10 kèo giao dịch dễ dàng tiếp theo và lặp lại các hành vi đánh bạc tương tự.

3.2. Giao dịch các chiến lược đã được backtest

Sự khác biệt chính thứ hai giữa trader thực sự với con bạc, đó là trader thì tập trung vào việc giao dịch các chiến lược đã được backtest, còn những con bạc thì lại thực hiện các giao dịch ngẫu nhiên, hoặc thậm chí tệ hơn, họ bỏ tiền của họ vào các cổ phiếu ngẫu nhiên mà họ thấy mọi người hay nói đến trên Youtube, Twitter, TikTok hoặc Reddit. Ở việt nam mình thì là các hội nhóm Zalo, Telegram.

Phong cách giao dịch YOLO bỗng trở nên phổ biến và nếu bạn tuân theo quản lý rủi ro nhưng lại bị “stop-out” (điều hết sức bình thường đối với một trader chuyên nghiệp), thì bạn sẽ bị chê cười và bị gọi là “bàn tay giấy”. 

Ở việt nam mình cũng có những kênh tiktok chuyên giao dịch 1000 lot, stoploss bằng cả tài khoản, hay vào lệnh chỉ đặt chốt lời không bao giờ đặt cắt lỗ. Coi cháy tài khoản là chuyện đương nhiên nhưng mình nói thẳng cái đó chỉ chứng tỏ quản trị rủi ro yếu kém (hay một từ rất dân dã là ngu) chứ chả có gì mà tự hào.

Điều đó hoàn toàn đúng khi tôi đã từng đóng các giao dịch của mình trên cổ phiếu GME và AMC vì lỗ hoặc lãi. Này, tôi hoàn toàn ổn khi đóng lệnh, miễn là tôi vẫn có lợi nhuận và vẫn còn sống sót để giao dịch vào một ngày khác trong tương lai.

Trong vài năm gần đây, việc đầu tư “all-in” vào một hoặc một số cổ phiếu hoặc công cụ phái sinh có đòn bẩy đã trở nên rất thú vị. Nhưng đối với tôi, đây có vẻ như là hình ảnh thu nhỏ của cờ bạc. Tôi chắc rằng, một số người đã kiếm được nhiều tiền khi thực hiện các giao dịch YOLO này, nhưng phần lớn có lẽ là không.

Hãy nhớ rằng, các giao dịch GME, AMC và Wall Street Bets chỉ là một phong trào, không phải là trading. Mặc dù chiến lược đó có hiệu quả trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng nó không thể lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác, hoặc năm này qua năm khác, đối với các trader chuyên nghiệp.

Nếu bạn là một trader mới muốn thực hiện công việc kinh doanh này một cách nghiêm túc, thì hãy nhớ rằng, các giao dịch ngẫu nhiên và setup ngẫu nhiên từ các cổ phiếu ngẫu nhiên lưu hành trên mạng xã hội sẽ dẫn đến kết quả ngẫu nhiên.

Những con bạc sẽ giao dịch dựa trên những gì đang được thổi phồng trên mạng và từ việc theo dõi những người khác, còn trader thực sự sẽ giao dịch chiến lược đã được backtest của họ.

Chỉ bằng cách theo dõi các giao dịch của mình, bạn mới có thể bắt đầu biết liệu mình mua hay bán tốt hơn, hay bạn giao dịch cổ phiếu vốn hóa lớn hay vốn hóa nhỏ tốt hơn? Bạn có kiểu tỷ lệ R:R (phần thưởng/ rủi ro) nào trong các setup giao dịch của mình? Chúng nên được điều chỉnh như thế nào trong một thị trường giảm giá?

Đây là tất cả những câu hỏi quan trọng mà bạn cần phải tự tìm hiểu từ dữ liệu trong nhật ký giao dịch của mình.

4. Kiểm soát cảm xúc

Yếu tố quan trọng thứ ba phân biệt trader với con bạc chính là trader có khả năng kiểm soát chặt chẽ cảm xúc họ và sẽ biết khi nào nên dừng giao dịch sau một ngưỡng thua lỗ nhất định.

Trong khi đó, những con bạc, vốn nghiện adrenaline và không thể kiểm soát được lòng tham, nỗi sợ hãi và sự tức giận của mình, thường sẽ quay cuồng trong lúc nóng vội và tiếp tục thua nhiều hơn. Đó là một trạng thái trả thù thị trường, muốn phải vào một lệnh và gỡ lại.

Tôi chắc chắn nhớ trong năm đầu tiên giao dịch của mình, mọi khoản lỗ, dù lớn hay nhỏ, thường kéo tôi ngồi lại trước màn hình và buộc tôi thực hiện một giao dịch khác ngay sau khi thua lỗ. Tôi chỉ cảm thấy sự thôi thúc vội vàng và không thể kiểm soát để kiếm lại số tiền đó, để không chỉ bù lại tài khoản của tôi, mà thú thực là cả cái tôi của tôi nữa. Cái tôi của tôi không muốn sai.

4.1. Buông bỏ cái tôi của tôi

Hồi tưởng lại những năm đầu tiên với tư cách là một trader mới, tôi chắc chắn có thể nói rằng, một trong những yếu tố chính giúp tôi bắt đầu kiếm được lợi nhuận đó là buông bỏ cái tôi của mình. 

Thị trường không hề biết đúng sai mà nó chỉ di chuyển như chính nó muốn, chỉ có con người mới có đúng sai. Thuận theo lệnh của chúng ta là thị trường đúng, trái lại là sai? Làm gì có chuyện đó, bạn chỉ là một trader nhỏ bé mà dám phán thị trường đúng hay sai sao? Về cơ bản, luôn phải chấp nhận rằng, thị trường luôn đúng.

Và vâng, bạn và tôi, những trader nhỏ lẻ, có thể sai!

Có một câu nói nổi tiếng nói rằng “Thị trường có thể vô lý lâu hơn khả năng chịu đựng của bạn”. Điều đó đúng 120% trong day trading và vâng, tôi đã tính đúng.

Thay vì cố gắng chống lại tin tức, chống lại các nhà tạo lập thị trường, chống lại xu hướng như nhiều trader mới vẫn làm (bao gồm cả tôi), thì bây giờ, tôi đã có thể cắt lệnh theo khu vực rủi ro được xác định trước của mình. Chỉ cần thoát lệnh, chuyển sang trade tiếp theo, và không gồng lỗ.

Điều cực kỳ quan trọng là phải chấp nhận rằng, bạn có thể sai và bạn có thể mất tiền trong trading. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cần nhớ là khi bạn, bạn sai ít và khi đúng, trade thắng của bạn phải lớn gấp 2 đến 3 lần trade thua.

Buông bỏ cái tôi chắc chắn cũng giúp kiểm soát cảm xúc. Là day trader, chúng ta sẽ chứng kiến những cảm xúc nguyên sơ nhất của con người trong chính chúng ta, trong vòng vài giờ đồng hồ.

Nhiều người hay cho rằng là trader, bạn cần loại bỏ mọi cảm xúc. Tuy nhiên, cách tiếp cận của cá nhân tôi là, thay vì cố gắng kìm nén nỗi sợ hãi, lòng tham, sự hưng phấn và sự phấn khích mà tất cả chúng ta đều cảm thấy với tư cách là trader, tôi chỉ đơn giản là học cách nhận biết một cách có ý thức những cảm xúc cụ thể đó vào thời điểm đó và có những bước đi thích hợp để đối mặt với những cảm xúc đó.

4.2. Giải quyết những cảm xúc

Ví dụ, ngày nay khi tôi cảm thấy thất vọng sau khi bị “stop-out” hai hoặc ba lần trên cùng một mã cổ phiếu, tôi chỉ cần xóa cổ phiếu đó ra khỏi màn hình.

Tôi không còn cố gắng trả thù giao dịch vì tức giận, thất vọng hay hoảng sợ nữa. Tôi chỉ đơn giản chấp nhận rằng tôi đã sai trong giao dịch. Tôi cảm thấy thất vọng và do đó tôi nên dừng lại. Thị trường sẽ vẫn ở đây vào ngày mai.

Nếu bạn muốn duy trì kỷ luật và tự chủ, bạn phải nhìn vào bên trong mình và chịu trách nhiệm, loại bỏ bản ngã và nhận ra cảm xúc của mình. Nếu không, bạn sẽ mãi mãi giao dịch như một con bạc.

Tôi nghĩ việc tích cực tuân theo các nguyên tắc day trading này với tầm nhìn dài hạn, chỉ tập trung vào giao dịch với các chiến lược phù hợp, đồng thời kiểm soát cảm xúc và cái tôi đúng cách thực sự là chìa khóa giúp tôi vượt qua khó khăn trong năm đầu tiên giao dịch thất bại với tư cách là một con bạc.

Bài viết viết đến đây là hết. Mong câu trả lời của chị Shay có thể làm hải lòng và giải được nỗi băn khoăn của anh em chúng ta. Giao dịch có phải cờ bạc không?

Theo mình thì nó chỉ là hai mặt của một vấn đề thôi, coi bạn chọn và đối xử với nó như thế nào. Rồi hẹn gặp lại.

Chinh Luan