Phương pháp phân tích chu kỳ thị trường bằng đường trung bình di động MA #Phân tích xu hướng - đảo chiều xu hướng

Phương pháp phân tích chu kỳ thị trường bằng đường trung bình di động MA

phuong-phap-phan-tich-chu-ky-thi-truong-bang-duong-trung-binh-di-dong-ma-kakata-1.png

Chu kỳ thị trường là một trong những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu khi phân tích thị trường chung cũng như một mã cổ phiếu cụ thể. Ngoài chu kỳ kinh tế (theo phân tích cơ bản), chu kỳ chuyển động của từng mã cổ phiếu cũng chi phối rất đáng kể đến lời lỗ của nhà đầu tư. Bằng việc nắm được chu kỳ tuần hoàn của nó, chúng ta có thể dự đoán được một phần nào đó (tương đối thôi) về diễn biến giá sắp tới.


Tôi đã chia sẻ phần cơ bản ở bài trước về cách xác định chu kỳ thị trường bằng đường trung bình di động MA, mà cụ thể là đường MA 30. Anh em chưa xem bài cũ có thể theo link này:

>> Xác định chu kỳ thị trường - cổ phiếu bằng đường đường trung bình di động MA

Trong bài viết này, tôi sẽ nói kỹ hơn về một số kỹ thuật xác định đỉnh đáy chu kỳ cũng như một số tư duy về chu kỳ để anh em có thể hiểu rõ hơn.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ XÁC ĐỊNH ĐƯỢC ĐÁY CHU KỲ THỊ TRƯỜNG

Ở bài trước tôi có đề cập rằng sử dụng MA 30 để xác đỉnh chu kỳ bằng cách khi đường MA tạo đáy (võng xuống) thì nó xác nhận rằng một chu kỳ bắt đầu. Tuy nhiên, khi MA tạo đáy thì giá đã tăng 1 đoạn ngắn rồi, vậy làm sao để phát hiện sớm cái đáy đó.

Lúc này chúng ta cần thanh khoản để làm việc đó.

Thường thì tại một cái đáy lớn (đáy chu kỳ) thanh khoản sẽ tập trung rất lớn, thậm chí là có sự đột biến thanh khoản tại cái vùng được cho là đáy. Do đó, khi giá giảm xuống, đi ngang và kèm theo thanh khoản lớn thì lúc đó ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ đây là đáy.

Yếu tố thứ hai, khi giá sắp tạo đáy, nó sẽ làm cho đường MA thoải dần thay vì là dốc như đoạn đầu và giữa xu hướng. Do đó, quan sát độ dốc của đường MA trước khi nó tạo đáy cũng là một dấu hiệu sớm để phát hiện đáy chu kỳ.

Yếu tố thứ 3, đây là yếu tố xác nhận, chính là đường MA 30 chính thức tạo đáy và tăng lên, lúc này cái đáy trước đó chính thức được xác nhận là đáy chu kỳ. Và chúng ta có thể tính toán cho giá trong tương lai khi nào sẽ có khả năng tạo đỉnh và đáy dựa vào chu kỳ vừa mới xác định.

Sau đây sẽ là một ví dụ về cách xác định đáy chu kỳ:

phuong-phap-phan-tich-chu-ky-thi-truong-bang-duong-trung-binh-di-dong-ma-kakata-2.png

Ví dụ về mã cổ phiếu SSI, chúng ta xác định được 2 đáy chu kỳ của chu kỳ 3-4 tháng (kéo dài xấp xỉ 63 cây nến).

Tại hai đáy chu kỳ, thanh khoản đều cao hơn mức trung bình. Trước khi tạo đáy, đường MA 30 tại đáy chu kỳ có xu hướng thoải đi, giảm độ dốc. Và sau đó nó đã tạo đáy và tăng lên. Dựa vào 3 yếu tố này, chúng ta có thể xác định được thời điểm nào là đáy chu kỳ và có thêm công cụ để quyết định xem có nên mua cổ phiếu vào thời điểm đó hay không.

Nguyên tắc con số 3 và con số 4, nguyên tắc này nói rằng: độ lớn cũng như độ dài của chu kỳ sẽ liên quan đến con số 3, 4 hoặc bội số của 3, 4. Như vậy, chu kỳ mà chúng ta xác định thường sẽ là chu kỳ:

+ Chu kỳ 3 - 4 tuần

+ Chu kỳ 3 - 4 tháng

+ Chu kỳ 3 - 4 năm

+ Chu kỳ 6 - 8 tháng

Vậy làm sao để xác định những loại chu kỳ này. Thường thì đường MA 30 sẽ xác định được tùy vào từng khung thời gian cụ thể. Ví dụ, với đường MA 30 ngày chúng ta sẽ sử dụng để tìm chu kỳ 3-4 tuần và 3-4 tháng. Còn với đường MA 30 tuần thì tìm chu kỳ 6-8 tháng.

Tôi vừa chia sẻ xong phương pháp tìm đáy chu kỳ cũng như cách sử dụng từng loại MA để xác định từng loại chu kỳ. Sang bài viết sau, tôi sẽ chia sẻ với anh em cách xác định cụ thể từng loại chu kỳ và cách vào lệnh MUA / BÁN.

Xem thêm:

>> Chiến lược kết hợp các chỉ báo động lượng với phương pháp Cung - Cầu
 
undefined