Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ ra sao khi tăng trưởng quý I giảm? #Tin tức kinh tế - xã hội

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ ra sao khi tăng trưởng quý I giảm?

tang-truong-kinh-te-viet-nam-2019-se-ra-sao-khi-tang-truong-quy-I-giam-1.jpg

Những quan ngại cũ về tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khối FDI lại vang lên, còn sự thay đổi về chất trong tăng trưởng của nền kinh tế vẫn chỉ là kỳ vọng.

Những chờ đợi về sự tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế trong nước năm 2019 đã không được tạo đà bằng kết quả ngay từ quý I/2019 như đã xảy ra trong năm 2018. Tuy chưa có thống kê chính thức song dựa vào cơ sở số liệu 2 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự tính, tăng trưởng GDP quý I/2019 chỉ đạt 6,58%.

Con số trên thấp hơn tốc độ tăng trưởng 6,76% trong quý I được dự tính cho kịch bản GDP 2019 tăng 6,6%; như vậy mức tăng GDP cho các quý II,III,IV tương ứng là 6,55%, 6,89% và 6,4%. Còn với kịch bản GDP năm 2019 tăng 6,8%, GDP quý II, III, IV lần lượt là 6,77%, 7,13% và 6,7%. Có thể nói kinh tế trong nước năm 2019 sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
tang-truong-kinh-te-viet-nam-2019-se-ra-sao-khi-tang-truong-quy-I-giam-2.png
Phép màu khó có thể đến từ "ông lớn FDI" Samsung Việt Nam với doanh thu năm 2018 của bốn nhà máy đạt 65,7 tỷ USD, tương đương 28% GDP của cả nền kinh tế. Con số này thấp hơn tương đối so với con số ước khoảng 33% GDP của Samsung năm 2017. Dấu hiệu sụt giảm cho thấy rõ nét trong quý IV/2018 khi doanh thu giảm gần 11% so với cùng kỳ 2017.

Hai tháng đầu 2019, chỉ số sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học của tập đoàn toàn cầu này chỉ tăng 5,2% so với cùng kỳ, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 38,3% của 2 tháng đầu năm 2018. Giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện cũng giảm 7,3% so với 2 tháng đầu năm 2018. Đáng quan tâm là doanh số và lợi nhuận sụt giảm chủ yếu ở mảng sản xuất chip nhớ mà dự báo là sức tiêu thụ trên thế giới sẽ chậm lại trong năm 2019.

Đối với Formosa thì có lẽ không dễ gánh phần đóng góp vào tăng trưởng này. Thành tích tăng trưởng GDP 2018 đạt 7,08% đưa Formosa song hành cùng Samsung bởi lý do dễ hiểu, Formosa đã đưa vào hoạt động cả 2 lò cao trong năm 2018, đem về mức doanh thu ước đạt hơn 2,6 tỷ USD. Mục tiêu 3,4 tỷ USD doanh thu được đặt ra không quá khiêm tốn nhưng phần đóng góp cho tăng trưởng GDP của Formosa chắc chắn khó đạt được như năm 2018.

Gánh vác thay cho Formosa, may thay là 1 tên tuổi Việt: Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Với công suất lên tới 10 triệu tấn/năm, dự kiến cung cấp khoảng 40% nhu cầu xăng dầu cả nước, tin rằng, doanh nghiệp này sẽ giúp bù đắp cho sự chững lại của Samsung trong bảng vàng đóng góp thành tích GDP 2019.

Xuất phát từ các phân tích trên, có thể tự tin rằng, cái hắt hơi của Samsung chưa thể gây nên một cơn cảm lạnh cho kinh tế Việt Nam. Mặc dù vậy, những quan ngại cũ về tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khối FDI lại vang lên, còn sự thay đổi về chất trong tăng trưởng của nền kinh tế vẫn chỉ là kỳ vọng.

Thứ nhất, doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của nước ta hiện có doanh thu hơn 4 tỷ USD, tuy nhiên chuyển nhượng bất động sản chiếm tới 68% con số nói trên. Trong top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, chỉ có 1 doanh nghiệp phần mềm với doanh thu xuất khẩu phần mềm chưa tới 9.000 tỷ đồng; 1 doanh nghiệp trong công nghiệp ô tô với vai trò chính là lắp ráp cho các hãng lớn như Mazda, Hyundai...; 1 doanh nghiệp thép chuyên nhập thép phế liệu về chế biến.

Đã vậy, sự lớn nhanh bất thường về tốc độ tỷ lệ và theo đa dạng hóa đầu tư ngoài lĩnh vực của nhóm các doanh nghiệp tư nhân lớn được chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du nhận diện là rủi ro của kinh tế Việt Nam. Theo ông, dựa theo chu kỳ khủng hoảng 10 năm, 2019 là năm cực kỳ nhạy cảm.

Thứ 2, số liệu thống kê 2 tháng đầu 2019 lần đầu ghi nhận, số doanh nghiệp đã chết và đang chết lâm sàng nhiều hơn số doanh nghiệp được thành lập mới. Trong bối cảnh này, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Cao Đoàn, để các chủ thể kinh doanh này trở thành động lực của nền kinh tế đang là nhiệm vụ bất khả thi.

Thứ 3, tuy các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng sụt giảm, thế nhưng nhóm doanh nghiệp lớn vẫn tăng trưởng mạnh. Điều này cho các “ông lớn” Việt Nam này đã không thể hiện được vai trò lan tỏa, dẫn dắt, thậm chí không loại trừ khả năng trở thành thế lực chiếm dụng cơ hội tiếp cận nguồn lực của nhóm yếu thế. Đã có nhiều cảnh báo về nhóm doanh nghiệp tư nhân thân hữu, những vòi bạch tuộc chiếm dụng nguồn lực. Điều này rất cần được xem xét.
tang-truong-kinh-te-viet-nam-2019-se-ra-sao-khi-tang-truong-quy-I-giam-3.png

Rõ ràng, động lực tăng trưởng cho năm 2019 và sau này phải xuất phát từ nội lực thực sự của nền kinh tế. Sẽ cần rất nhiều hành động thiết thực, tương xứng với những định hướng, chỉ đạo và cả quyết tâm của chính chúng ta.


Xem thêm:

>> Sự thận trọng đầy toan tính của "cỗ xe lu" Hòa Phát
 
undefined